Có rất nhiều quan niệm khác nhau về detox với những thông tin như nhịn ăn, uống loại nước pha theo công thức định sẵn…
Nhiều ý kiến cho rằng chế độ detox sẽ giúp cơ thể thải độc và giảm cân. Nhưng, cũng không ít có ý kiến trái chiều cho rằng detox không khoa học, rất hại sức khỏe.
Detox là gì?
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh, mỗi ngày bạn ít nhiều hít những luồng khí ô nhiễm, tiếp xúc chất độc hại các hóa chất tẩy tiêu dùng, trong các loại thức ăn... và detox là phương pháp thanh lọc, làm sạch các cơ quan trong cơ thể.
Sau quá trình detox, hoạt động của chúng tốt hơn. Phương pháp này có nhiều công thức áp dụng, ví dụ như nhịn ăn, chỉ uống nước lọc hoặc uống loại nước rau củ quả có khả năng tống khứ chất độ, bao gồm cả mỡ xấu. Khi các tạp chất cũng như mỡ thừa trong người được đào thải, bạn như trút bỏ được một vài kilôgram trọng lượng cơ thể, da dẻ trở nên mịn màng hơn.
Theo giải thích của một số chuyên gia dinh dưỡng khác, việc detox dù bằng phương pháp nào cũng sẽ làm bạn giảm cân nhanh chóng vì bạn đã loại bỏ hẳn những nhóm thực phẩm tạo năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày như protein (thịt, cá) và tinh bột (cơm, bánh mì).
Tuy nhiên, cân nặng chỉ giảm tạm thời, sau đó bạn tăng lại mức cân cũ khi trở về chế độ ăn uống bình thường. Từ giải thích này, đã có không ít người nghĩ rằng cần phải áp dụng chế độ thanh lọc thường xuyên mới mong giữ được cân nặng mong muốn, vòng eo thon thả, làn da mịn màng.
Song bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cho rằng việc lạm dụng detox có thể khiến cơ thể thiếu hụt các vitamin, khoáng chất, carbohydrate, axít béo quan trọng cho cơ thể, đặc biệt là lượng protein cần thiết để nuôi cơ thể hoạt động.
Khi protein không được cung cấp đầy đủ, cơ thể sẽ buộc lấy protein từ các nguồn khác như mô cơ, xương… Đến lúc các mô cơ giảm đi, chắc chắn ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, quá trình đốt cháy calorie sẽ chậm, lượng calorie tiêu hao ít đi, bạn càng khó giảm cân.
Detox nào là đúng?
Định nghĩa detox như trên, theo BS Đào Thị Yến Phi là đúng nhưng nếu thực hiện máy móc thì không ổn, mà phải có khoa học. Vì thế dù dưới dạng sử dụng dung dịch thải độc đắt tiền, hay áp dụng chế độ ăn kiêng khem, hoặc đơn giản là chế độ dùng trà, uống nước chanh mỗi ngày… thì cũng phải tùy theo từng thể trạng, sức khỏe, thời gian thực hiện ngắn hay dài.
Bạn đừng quá lo lắng khi mình chưa áp dụng detox. Thực tế, cơ thể chúng ta có thể tự kích hoạt quá trình thanh lọc theo phản xạ tự nhiên. Các hóa chất có hại hay thực phẩm không có lợi được chuyển vào máu và đi vào gan.
Gan sẽ dùng các enzym có sẵn để phá vỡ những hóa chất này và đào thải ra ngoài bằng hình thức “detox” qua nước tiểu, mồ hôi…
Nói như vậy không có nghĩa bạn không nên chủ động thanh lọc cơ thể. Những độc tố do thực phẩm không vệ sinh, ô nhiễm môi trường tích tụ trong cơ thể lâu ngày sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Vấn đề là bạn áp dụng chế độ detox như thế nào để vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Một số công thức tự làm như uống nước mía pha ớt; nước chanh pha dâu tây;dâu tây, chanh vàng, kiwi… liệu có đảm bảo an toàn cho bao tử của bạn? Dùng nước muối pha loãng với chanh có thật sự tốt cho huyết áp, hoặc nhịn ăn chỉ uống nước lọc có làm bạn đủ năng lượng để tồn tại?
Trước khi muốn áp dụng detox, bạn nhất định phải tham vấn ý kiến bác sĩ dinh dưỡng, đừng bao giờ tự ý làm theo kiểu truyền miệng hay kinh nghiệm của người khác.
Nguồn: Sưu tầm